21/03/2014 12:19
Tại UCMAS – Trung tâm số học trí tuệ (Hà Nội), một cậu bé 9 tuổi vừa nghe thầy giáo đọc phép tính 6 số hàng chục bất kỳ, liền liếc nhanh vào chiếc bảng đã ghi sẵn những phép tính rồi điền luôn kết quả chính xác xuống phía dưới.
Đây là một buổi luyện tập của học sinh đang theo học chương trình “Bàn tính phát triển trí tuệ của UCMAS” – một trong những phương pháp giáo dục phát triển trí thông minh ở trẻ đang được các bậc phụ huynh quan tâm.
Rèn luyện tư duy bằng số học
Nói đến toán và số học, không thể không kể đến Chương trình Toán tư duy Mathnasium của giáo sư toán học người Mỹ Larry Martinek. Cách đây 35 năm, ông Larry muốn tìm được phương pháp học tốt nhất cho cậu con trai mê toán cũng như các học trò của mình. Mùa xuân năm 2002, giấc mơ của ông trở thành hiện thực. Peter Markovitz và David Ullendorff - các nhà lãnh đạo trong ngành giáo dục Mỹ đã hỗ trợ Larry phát triển phương pháp toán tư duy, giới thiệu chương trình giảng dạy với tên gọi phương pháp Mathnasium.
Mục đích của ông khi phát triển phương pháp này là giúp trẻ không còn sợ hãi môn toán, tìm thấy sự vui thích trong từng con số, từng phép tính. Thay vì dựa vào phương pháp học thuộc lòng theo truyền thống và làm các bài tập lặp đi lặp lại, giáo sư Larry tập trung vào việc giúp các em nhỏ hiểu thấu về toán học bằng cách khơi dậy và rèn luyện bản năng toán học cũng như hướng các em suy nghĩ tích cực về môn toán, yêu thích môn toán hơn. Đến nay, hệ thống Mathnasium đã phát triển với 400 trung tâm lớn ở Mỹ và 16 quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam được vài năm, nhưng phương pháp Mathnasium dần khẳng định tính ưu việt trong những phương pháp giáo dục mới ở trẻ. Đến nay, đã có hàng chục nghìn trẻ em các lứa tuổi đăng ký theo học chương trình này.
Chương trình "Bàn tính và số học trí tuệ UCMAS” giáo dục trẻ kỹ năng sử dụng bàn tính bằng việc dùng ngón tay di chuyển các hạt trên bàn tính thành con số để thực hiện các phép toán cơ bản. Ban đầu, trẻ sẽ phải học cách sử dụng và thao tác với bàn tính. Sau khi đã quen với bàn tính, trẻ có thể chuyển sang học số học trí tuệ. Nhiều học sinh có thể thực hiện những phép tính phức tạp theo phản xạ tự nhiên bằng cách tưởng tượng ra “bàn tính ảo” được hình thành sẵn trong đầu mà không cần tới bàn tính thật. Đây chính là quá trình rèn luyện để phát triển các kỹ năng giúp phát triển não bộ cho trẻ.
Năm 2013, trong cuộc thi Học sinh giỏi quốc tế chương trình “Bàn tính số học trí tuệ UCMAS” được tổ chức tại Malaysia, đoàn Việt Nam đã đạt thành tích cao khi 29/39 học sinh dự thi đã đoạt giải. Đây hoàn toàn là kết quả đáng mừng mà phương pháp giáo dục mới này mang lại.
Giáo dục sớm – Quyền của trẻ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, giai đoạn từ 0–6 tuổi là giai đoạn phát triển bùng nổ của não bộ. Tốc độ ghi nhớ và xử lý thông tin của trẻ trong giai đoạn này nhanh đến mức khó tin.
Giáo sư Glenn Doman (1919–2013) là người sáng lập Viện nghiên cứu và phát triển tiềm năng con người (Mỹ) - nơi dạy và cung cấp những phương pháp giáo dục cho trẻ bị tổn thương não và cả việc phát triển sớm cho trẻ em bình thường. Mặc dù phương pháp giáo dục của Glenn còn gây nhiều tranh cãi nhưng trên thực tế, ông và các đồng sự đã giúp đỡ hơn 20.000 gia đình trong hơn năm thập kỷ qua.
Nếu phương pháp giáo dục Glenn Doman đưa ra những bài tập vận động và trí tuệ tập trung phát triển năm giác quan của trẻ thì phương pháp của Maria Montessori (nhà giáo dục người Italy từng ba lần được đề cử giải Nobel Hòa bình cho những cống hiến trong giáo dục trẻ em) lại chú trọng vào xây dựng môi trường, giúp trẻ nâng cao tính độc lập, khả năng tư duy và quan sát xung quanh. Phương pháp Montessori đã vượt qua sự khác biệt về lãnh thổ, thế giới quan, tôn giáo để nhanh chóng được phổ biến toàn cầu – như các nhà giáo dục Đức đã nói.
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người Việt Nam cho rằng tác động từ sớm sẽ giúp cho trẻ em phát triển toàn diện: “Ngày nay người ta đang nhầm tưởng giáo dục sớm tức là nhồi nhét tri thức cho đứa trẻ. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy mà giáo dục sớm là kích thích các tố chất, tiềm năng mà bản thân đứa trẻ đã có”.
Khánh My